ĐẠI HỌC CỦA VŨ ĐẮC HOÀNG ÂN

Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh logo

Rời mái trường cấp 3, tôi đặt chân vào giảng đường đại học (ĐH). Tôi may mắn được học chương trình tiên tiến (APCS), thời gian học trên lớp ít. Vì vậy, tôi có nhiều thời gian tự học và làm những điều mình thích.

1. TỰ HỌC LÀM WEB

Tôi tự học làm web từ năm 2 đại học. Lúc đó, tôi học theo chương trình cùa trang web w3schools.com. Đây là nguồn tài nguyên tự học làm web cho người mới bắt đầu. Kiến thức cơ bản, dễ hiểu, được chia thành nhiều mục tương ứng với các thành phần cấu tạo nên 1 website (HTML, CSS, ECMAScript, …).

Thời điểm đó, HTML 5 còn xa lạ với nhiều người. Trên trang w3schools hướng dẫn cả HTML 4.1 và HTML 5. Tôi học cả 2. Khi ấy, các trang web đa phần được viết bằng HTML 4.1 hoặc XHTML. Trong quá trình học, tôi nhận thấy HTML 5 có kiến trúc đơn giản, nhiều chức năng hơn HTML 4. Chính vì thế, những project tôi làm ở nhà đều được viết bằng HTML 5 và CSS 3.

Lúc bấy giờ, Jquery chưa ổn định, còn Bootstrap thậm chí còn chưa phát hành. Vì là dân kĩ thuật (maker), những gì chưa có thì tôi tự tạo cho mình. Do đó, tôi phải tự mình code tay hầu hết các chức năng. Ngày nay, có quá nhiều thư viện hỗ trợ lập trình web các bạn có thể chọn. Thật may mắn cho thế hệ hiện nay.

2. LÀM QUEN VỚI PYTHON

Tôi biết đến Python thông qua vithon.org. 1 trang mạng sinh ra với mục đích mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ lập trình Python. Vithon được lập bởi cộng đồng Python cho người Việt (PCNV) – 1 nhóm bạn có tình yêu dành cho Python. Vào thời điểm đó, Python là 1 trong những ngôn ngữ hiếm ở Việt Nam.

Tìm hiểu sâu hơn, tôi thấy Python là ngôn ngữ lập trình dễ đọc, dễ hiểu và dễ học. Cú pháp Python rõ ràng, trong sáng giống tiếng Anh. Vì thế, Python là ngôn ngữ cho người mới bắt đầu.

Do đó, năm 3 đại học tôi bắt đầu tìm hiểu Python. Môn mật mã học, tôi đã dùng những kiến thức về Python để tạo ra thuật toán mã hóa mới. Tất cả nhờ vào Chị Đặng Hải Vân cho sử dụng bất kì ngôn ngữ nào cho project cuối kì.

Có 1 em khóa dưới hỏi tôi chọn ngôn ngữ lập trình nào để đi làm khi tốt nghiệp. Tôi nói đùa: “Python là ngôn ngữ cuộc đời”. Vì câu lệnh Python dễ đọc, dễ hiểu. Bên cạnh đó, bản thân Python có thể xử lí được số lớn. Do đó, các Data Scientist rất thích dùng trong lĩnh vực Big Data. Thấy được điều đó, tôi nhận định Python chính là xu hướng của tương lai. Vào thời điểm tôi ra trường đi làm, Python sẽ được nhiều người biết đến và sử dụng.

3. THỰC HÀNH NHỮNG KIẾN THỨC ĐÃ HỌC Ở ĐẠI HỌC

Năm cuối đại học, 1 anh khóa trên thông báo cần tuyển vị trí part time cho Python. Tôi nhận thấy đây là cơ hội để tôi có thể áp dụng kiến thức tự học vào thực tế. Vì thế, tôi đã ứng tuyển ngay.

Bài test công ty đưa là 1 link trang web, bảo tìm ra đáp án của thông điệp. Với kiến thức bảo mật hạn hẹp của mình, tôi đã tìm ra thông điệp ẩn sâu trong trang web. Sau đó, tôi giải mã đoạn thông điệp có được dưới dạng bản mã. Cuối cùng, tôi đã tìm được đáp án của thông điệp và được nhận vào làm.

Khi đó, Python 2 còn được dùng phổ biến. Tôi học cả Python 2 và Python 3. Tôi nhận thấy Python 3 được chuẩn hóa hơn, hỗ trợ tiếng Việt tốt, là xu hướng tương lai. Vì thế, dù công ty sử dụng Python 2, nhưng các site project ở nhà, tôi đều dùng Python 3.

Thời đại học, tôi đã từng crack 1 vài phần mềm dùng thử thành có bản quyền. Đó là nhờ vào những kiến thức về ngôn ngữ lập trình Assembly tôi học được ở trường.

4. CƠ DUYÊN ĐẾN VỚI NHẠC CỤ DÂN TỘC

Tôi chọn chơi sáo vì sáo ngang là 1 trong những nhạc cụ truyền thống dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho sáo không nhiều.

Sáo
Sáo tông Đô (ở dưới) và tông Xi giáng

Tôi tham gia vào CLB tiêu sáo ĐH Khoa Học Tự Nhiên (tiền thân CLB tiêu sáo ĐH Sư Phạm). Lí do vì sao có sự chuyển tiếp ĐH như vậy, tôi sẽ đề cập ở 1 bài viết khác. Đến giờ tôi vẫn còn giữ cây sáo tông Xi giáng mà “Bang Chủ” tặng. Tôi thường gọi vui chủ nhiệm CLB tiêu sáo đại học Khoa Học Tự Nhiên đời đầu là “Bang Chủ”.

Nhờ tôi hoạt động công tác xã hội ở DRD – 1 tổ chức dành cho người khuyết tật. Tôi may mắn được học khóa sáo và guitar miễn phí của nhạc sĩ Hà Xuân Hồng.

Nhạc sĩ Hà Xuân Hồng
Nhạc sĩ Hà Xuân Hồng

Trong 1 dịp trung thu, tôi thổi sáo cho các em nhỏ nghe. Lúc đó vì là lần đầu thổi sáo trước đông người, tôi run quá muốn thổi không nổi luôn. Cũng may là bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” ngắn. Tôi rất vui vì có thể giúp các bé có 1 đêm trung thu tràn ngập tiếng cười.

5. LẬP TRÌNH ÂM NHẠC

Khi chơi sáo, tôi biết cách giữ hơi, luyến láy, lên tông, … Nên có thể hát được nhạc Bolero trữ tình, quê hương, rap, … Những dòng nhạc mà tôi yêu thích.

Tôi tham gia khóa học lập trình trực tuyến của học viện nghệ thuật California (California Institute of the Arts). Tôi được học cùng với bạn bè quốc tế. Bài thi cuối khóa yêu cầu chúng tôi tạo 1 đoạn nhạc dựa vào những kiến thức đã học.

Tôi nghĩ thay vì đoạn nhạc, sao mình không dùng 1 bài hát nhỉ. Thế là tôi chọn bài “Lòng Mẹ”. Khi làm bài này, tôi nghĩ đến Mẹ. Là người Việt Nam, ai trong chúng ta cũng từng được nghe và thuộc giai điệu bài “Lòng Mẹ”:

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”

Tôi muốn nhân dịp này, giới thiệu với bạn bè thế giới về nền âm nhạc Việt Nam. Tôi cũng nhờ 1 em khóa dưới hướng dẫn lí thuyết dạo nhạc bằng guitar.

Các học viên chấm bài chéo nhau. Nhiều bạn nước ngoài tỏ ra vô cùng thích thú với bài thi của tôi. Mời các bạn nghe thử bài “Lòng Mẹ”, phiên bản ngôn ngữ lập trình ChucK.

6. NGƯỜI ẢNH HƯỞNG

Tôi gặp Bạn trong 1 khóa học kĩ năng mềm do trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên tổ chức. Vì Bạn học ĐH Sư Phạm, hàng xóm với trường tôi nên Bạn biết đến khóa học này. Bạn bằng tuổi tôi, cung Sư Tử, tên Bạn đẹp như con người Bạn vậy. Với 1 đứa dốt Văn từ nhỏ, tôi rất ngưỡng mộ những Người Khoa Văn. Họ có thể xuất khẩu thành thơ, vui hay buồn họ đều có thể viết thành bài văn, … Bạn là người nhạy cảm, lo cho gia đình và thường tham gia các hoạt động văn nghệ của trường.

Năm 2013, Yahoo Blog đóng cửa ở Việt Nam, Bạn buồn rất nhiều. Bạn còn viết 1 bài dài chất chứa nhiều tâm sự. Một lần khác, khi xem phim về thảm họa sóng thần 2012, Bạn ngồi khóc ngon lành trong rạp. Tôi cảm nhận Bạn là người giàu lòng trắc ẩn và đầy hoài niệm.

Nhờ Bạn, tôi biết được con gái miền Tây dễ thương, đảm đang, đặc biệt là ở Tiền Giang. Cũng nhờ Bạn mà 1 đứa học dở văn như tôi lại thích đọc sách. Sau này nếu có viết sách, có thể tôi sẽ viết sách dạy lập trình cho trẻ em. Như:

Chúng tôi cùng thích 1 câu danh ngôn:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.”

Sau khi lấy bằng thạc sĩ, Bạn đã lên đường định cư ở Pháp. Tôi mong Bạn luôn sống hạnh phúc.

7. Niềm tự hào

1 bạn người nước ngoài hỏi tôi đại học nào top ở Việt Nam. Tôi tự hào khi nói, ĐH Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh mà ĐH Khoa Học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh là thành viên là 1 trong những trường ĐH hàng đầu Châu Á và thế giới.

Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh
Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh

Quãng đời sinh viên là khoảng thời tươi đẹp và nhiều kỉ niệm đối với tôi. Nếu được quay lại, tôi sẽ sống hết mình và nhiệt huyết hơn nữa. Rời giảng đường ĐH, tôi bước chân vào môi trường mới, trường đời.

Vũ Đắc Hoàng Ân.

------------------------------
Thông tin liên lạc

♦ Facebook: https://facebook.com/vudachoangan

♦ Email: anvudh@gmail.com
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *