APCS – CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN

APCS logo

Rời mái trường phổ thông, tôi bước vào ngưỡng cửa đại học. Tôi may mắn được theo học Chương Trình Tiên Tiến (APCS) của trường đại học Khoa Học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh. Từ đây, tôi bắt đầu chuyến hành trình học tập trở thành người công dân có ích cho xã hội.

I. ĐI LÀM THÊM

Vào đại học, như bao người bạn đồng trang lứa, tôi đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Hồi đó, tôi làm coach cho 1 trường cờ do 2 anh em song sinh kiện tướng cờ vua quốc tế thành lập ở quận 7. Tuần 3 buổi, sau giờ học, tôi đạp xe đến trường dạy cờ. Với những bé có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, tôi dạy cờ cho bé bằng tiếng Anh. Dạy học là niềm vui của tôi.

Ở trường đại học, tôi hay tham gia các hoạt động của Hội Sinh Viên trường. Tôi là trưởng ban cờ vua của câu lạc bộ (CLB) cờ ở trường. Bên cạnh việc soạn bài hướng dẫn các bạn mới, nâng cao trình độ cho các bạn cũ, tôi còn sắp xếp để các bạn có thể thi đấu giao lưu với nhau trong các buổi sinh hoạt của CLB. Ngoài ra, tôi tìm các ván cờ thế để các bạn có thể cùng nhau giải.

II. VÌ SAO VŨ ĐẮC HOÀNG ÂN CHỌN APCS?

Thời điểm đó, tôi nhận thấy CNTT và tiếng Anh là 2 cái cơ bản cho mọi ngành nghề. Vì thế, tôi chọn thi vào khoa công nghệ thông tin, đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Nhờ học chương trình tiên tiến (Advanced Program in Computer Science – APCS), tôi được cả 2 cái trên. Học phí APCS cao, nhờ có học bổng, chính phủ tài trợ, tôi mới có thể theo học chương trình.

Tôi vẫn còn nhớ những thầy cô đã dạy tôi khi còn học ở APCS:

1. GIÁO SƯ DƯƠNG NGUYÊN VŨ

Giáo sư Dương Nguyên Vũ - Giảng viên APCS
Giáo sư, tiến sĩ Dương Nguyên Vũ

a. NGƯỜI THẦY TÂM HUYẾT VỚI SINH VIÊN VIỆT NAM

Tinh thần “Think big, start small” và “Work hard, play hard” tôi học được ở chương trình APCS nhờ GS. Dương Nguyên Vũ. Thầy cũng là người hướng dẫn các Upper Division Cluster Courses. Tôi học từ Thầy rất nhiều về cách tư duy của những quốc gia phát triển trên thế giới.

Thầy còn là viện trưởng viện John von Neumann (JVN) thuộc Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh. Tôi may mắn được cùng các giảng viên đi xe trường tham quan viện JVN những ngày đầu thành lập. Viện được đầu tư cơ sở hạ tầng tiên tiến để ứng dụng khoa học dữ liệu vào cuộc sống. Ở đây, bạn có thể tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo trên thế giới ngay tại Việt Nam. Dịp đó, tôi cũng tham quan trung tâm điều hành Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh.

Nhà điều hành đại học Khoa Học Tự Nhiên
Trung tâm điều hành đại học Khoa Học Tự Nhiên

b. TƯ DUY TÔI HỌC ĐƯỢC TỪ THẦY DƯƠNG NGUYÊN VŨ

Năm nhất, trong học kì đầu tiên tôi học Thầy, Thầy cho đề bài vẽ mơ ước của mình và cái nhìn của bản thân với cuộc sống. Tôi đã tổng hợp 3 mẩu chuyện khác nhau trong 1 bức vẽ. Thầy đã chỉ cho tôi về các yếu tố Thiên, Địa, Nhân trong bức vẽ của tôi. Sau này, tôi biết thêm để hoàn thành được 1 việc cần cả Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.

1 lần khác, trong 1 buổi học về kĩ năng mềm, GS. Dương Nguyên Vũ hỏi cả lớp làm sao đo được chiều dài 1 cây cột. Có 1 bạn trả lời đợi mặt trời hợp với mặt đất 1 góc 45 độ. Khi đó, chiều dài chiếc bóng sẽ bằng chiều dài cây cột (dựa vào tính chất tam giác vuông cân).

Tôi lại có câu trả lời khác. Ta cho dựng 1 cây cọc bên cạnh. Tỉ lệ chiều dài cây cọc và bóng cọc sẽ bằng tỉ lệ chiều dài cây cột và bóng cột. Ta đo chiều dài cọc, bóng cọc, bóng cột sẽ biết được chiều dài cây cột. Điều này tôi dựa vào tính chất tam giác đồng dạng.

Thầy cho rằng phương pháp của tôi có tính thực tiễn hơn. Do nếu dùng cách 1, ta phải đợi đến khi mặt trời lên đến góc 45 độ. Tôi học được 1 điều: Ta cần xem xét thời gian đạt kết quả khi chọn lựa 1 phương pháp.

2. PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ TRẦN MINH TRIẾT

Tiến sĩ Trần Minh Triết
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Minh Triết

Tôi may mắn được học PGS. TS. Trần Minh Triết từ năm nhất đại học. Khi ấy, Thầy đang là thạc sĩ. Hầu như năm nào tôi cũng được học Thầy. Tôi rất khâm phục kiến thức rộng lớn của Thầy. Thầy rất lo lắng cho học trò và tâm huyết với lĩnh vực công nghệ thông tin. Những cuộc thi như Microsoft Imagine Cup, ACM-ICPC, Olympic tin học, … Đều do Thầy hướng dẫn luyện tập.

Luận văn tốt nghiệp tôi được Thầy tư vấn hướng đi. Thầy cũng là giáo viên phản biện cho luận văn tốt nghiệp của tôi. Trong số các giáo viên đại học, Thầy là người mà tôi có nhiều kỉ niệm và biết ơn nhất.

Ở TP. Hồ Chí Minh, phòng thí nghiệm Trí Tuệ Nhân Tạo (AILab) mà thầy làm phó trưởng phòng, là nơi dạy Python – Ngôn ngữ lập trình đa năng phổ biến hiện nay.

3. PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN ĐÌNH THÚC

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thúc
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Thúc đứng thứ 4 từ phải qua

Tôi học PGS. TS. Nguyễn Đình Thúc môn Cryptography vào năm 4 đại học. Nhờ Thầy mà mật mã không còn là môn học khô khan và nhàm chán. Ngược lại, tôi lại thấy thích mã hóa và bảo mật. Thầy cũng là giáo viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của tôi.

Tìm hiểu thêm về mật mã, tôi thấy nó có nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Trong số đó là trò giải mật thư trong các hoạt động đoàn, hội từ thời cấp 3 của tôi. Ví dụ, mật thư chữ thay chữ có nền tảng từ mật mã Caesar (Shift Cipher), …

Chính vì thế, trong kì thi giữa kì, tôi đã hoàn thành đầu tiên. Tất cả dựa vào kinh nghiệm giải mật thư và điểm yếu của đoạn được mã hóa. Nhờ Thầy và Chị Đặng Hải Vân, tôi có thể dùng Python để tạo 1 thuật toán mã hóa mới trong bài thi cuối kì.

Toán học là nền tảng của mật mã. Vì thế, Thầy thường tổ chức các buổi chia sẻ về toán học và thuật toán mã hóa. Những kiến thức đó giúp tôi rất nhiều cho luận văn tốt nghiệp sau này.

Ngoài ra còn các thầy cô khác như TS. Đinh Bá Tiến – trưởng bộ môn công nghệ phần mềm, Chị Đặng Hải Vân, …

Tiến sĩ Đinh Bá Tiến
Tiến sĩ Đinh Bá Tiến
Đặng Hải Vân
Tiến sĩ Đặng Hải Vân

III. CÁC HOẠT ĐỘNG Ở APCS

1. KHIÊU VŨ

APCS là chương trình có tư duy đổi mới cao. Môn giáo dục thể chất, thay vì học các môn thể thao, tôi được học khiêu vũ. Ngày nay, biết khiêu vũ là 1 lợi thế khi bạn giao tiếp với bạn bè nước ngoài.

2. APCS CARE AND SHARE

Là 1 nhóm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, có chia phòng ban rõ ràng. Care and Share do các thầy cô trong APCS khởi xướng. Care and Share là cầu nối giúp các mạnh thường quân nước ngoài nắm thông tin và quyên góp cho các tổ chức xã hội ở Việt Nam.

Tôi may mắn được làm trưởng ban biên tập Care and Share 1 nhiệm kì. Sau khi đi tiền trạm các mái ấm, nhà mở, ban chúng tôi tổng hợp thông tin viết bài để gửi ban truyền thông up lên website. Nhờ đó, giúp các mạnh thường quân biết được những cơ sở nào cần được hỗ trợ.

Vũ Đắc Hoàng Ân bảo vệ luận văn tốt nghiệp APCS
Vũ Đắc Hoàng Ân bảo vệ luận văn tốt nghiệp APCS

Qua quá trình học ở APCS, tôi hiểu được vì sao người nước ngoài thường thành công trong cuộc sống. Vì các trường học ở nước họ tập trung phát triển con người và tư duy nhiều hơn. Vì thế, mỗi khi lập 1 kế hoạch công việc, tôi đều hướng đến việc mở rộng ra các nước. Suy nghĩ lớn và bắt đầu bằng những việc nhỏ. Sau này, tôi cũng sẽ cho con cháu theo học các chương trình nước ngoài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *